Trong khuôn khổ Davis Cup 2019 nhóm 3 khu vực châu Á Thái Bình Dương , các thành viên chủ chốt của 11 quốc gia quần vợt Đông Nam Á đã họp hội nghị tại khách sạn Katong Village ở Singapore thống nhất quyết định thành lập Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á để điều hành mọi hoạt động quần vợt khu vực, tiến tới chuẩn hóa hệ thống thi đấu các giải chính thức và giải trẻ, đồng thời nâng cấp chất lượng và trình độ huấn luyện viên trọng tài, giám sát, các bộ phận quản lý, tiếp thị, truyền thông, đào tạo.
Ngoài ra việc có tên Liên đoàn Đông Nam Á trên bản đồ thế giới sẽ giúp cho khu vực có đại diện ứng cử vào Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF), tham gia sâu vào các hoạt động cụ thể của ITF để tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức quần vợt chuyên nghiệp này cũng như đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của quần vợt Đông Nam Á.
Như năm 2017, Chủ tịch ITF David Haggerty từng đến TP.HCM chủ trì hội nghị của ITF và phát biểu rất ấn tượng với sự phát triển của quần vợt Việt Nam cũng như có những đánh giá chung về quần vợt Đông Nam Á, kêu gọi khu vực ASEAN cần phải "chung sức, chung lòng" đoàn kết để có Liên đoàn quần vợt. Vi đó là bộ mặt chung của quần vợt khu vực. Qua đó mới tăng được sức cạnh tranh để phát triển.
Các thành viên lãnh đạo và toàn bộ đội tuyển Việt Nam đang thi đấu Davis Cup ở Singapore
Ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam, một trong 2 đại diện chính thức của Việt Nam tham dự hội nghị cho biết hội nghị nhận thấy đã đến lúc 11 quốc gia khu vực phải có tiếng nói chung về quần vợt để trở thành một bộ phận có mối quan hệ hữu cơ với hiệp hội thể thao Đông Nam Á và cũng để không phụ lòng mong đợi của ITF
Trên tinh thần đó hội nghị thống nhất bầu ông Mirzan Mahatir, Chủ tịch hiệp hội quần vợt Malaysia là Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á. Phó chủ tịch có ông Kit Sombat Eummongkol , Chủ tịch hiệp hội quần vợt Thái Lan, ông Tep Rithivit, Tổng thư ký hiệp hội quần vợt Campuchia và ông Trịnh Long Vũ, Phó chủ tịch Liên đoàn quần vợt Việt Nam.
Ông Trịnh Long Vũ được chọn làm Phó chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Đông Nam Á
Ghế Tổng thư ký được giao cho ông Gilbert Ng của Singapore. Bộ máy chủ chốt này theo kế hoạch sẽ cùng các thành viên khác trong ban chấp hành Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á sẽ chính thức bắt tay điều hành mọi hoạt động của quần vợt ASEAN từ hôm nay và mấu chốt là tham gia sâu ở SEA Games 30 tại Philippines
Rất bất ngờ khi một trong những cây đại thụ của quần vợt Đông Nam Á là ông Uthrapathy, người rất có công gầy dựng các hoạt động thi đấu quốc tế trong khu vực và cũng từng đến Việt Nam nhiều lần tổ chức các giải Challenger và Men Future’s đã không được chọn vào ghế tổng thư ký và sau đó có ý định rút lui dù ban chấp hành Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á vẫn mong muốn mời ông tham gia với vai trò cố vấn.
Theo đề nghị của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF), giải vô địch quần vợt Đông Nam Á đầu tiên do Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á phối hợp với VTF tổ chức sẽ diễn ra vào cuối năm nay do Việt Nam đăng cai sau SEA Games. Cụ thể giải sẽ diễn ra dự kiến tứ 16 đến 22.12 và địa điểm tổ chức có thể là Đà Nẵng hoặc Tây Ninh
Giải đấu vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên này sẽ có 4 nội dung gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ với tổng tiền thưởng là 25.000 USD. Giải sẽ hứa hẹn hấp dẫn khi quy tụ đầy đủ các tay vợt hay nhất của 11 nước tranh tài
Cũng nhân hội nghị thành lập Liên đoàn quần vợt Đông Nam Á và nhân kỷ niệm 30 năm thành lập VTF, toàn bộ lực lượng quần vợt Việt Nam đang có mặt ở Singapore đã tổ chức gặp gỡ với đại diện lãnh đạo quần vợt 10 quốc gia Đông Nam Á. Toàn bộ thành viên đội tuyển quần vợt Việt Nam đã đến chào từng đại diện quốc gia trong khu vực.
VTF tặng biểu trưng cho đại diện các quốc gia Đông Nam Á
Chủ tịch VTF Nguyễn Quốc Kỳ và các lãnh đạo VTF đã tặng cho mỗi đại biểu đại diện quốc gia của 10 nước Đông Nam Á và các khách mời đến từ Trung Quốc cũng như một số nước khác biểu trưng đánh dấu sự hợp tác và hội nhập của các quốc gia Đông Nam Á với quốc kỳ của cả 11 nước ASEAN được khắc một cách rất mỹ thuật và ấn tượng
Đồng thời VTF cũng đã cho trình chiếu video clip ghi dấu chặng đường 30 năm của quần vợt Việt Nam mà vẻ vang nhất chính là chiếc huy chương bạc SEA Games 19 năm 1997 tại Indonesia của đôi nam nữ Ôn Tấn Lực và Nguyễn Thị Kim Trang, chức vô địch đại hội thể thao trẻ châu Á tại Nam Kinh (Trung Quốc) năm 2013 của Lý Hoàng Nam cũng như kỳ tích vô địch đôi nam trẻ của Lý Hoàng Nam tại giải quần vợt danh giá Wimbledon năm 2015.
Thanh Niên