Nadal: Carlos Moya trở lại và sẵn sàng chia tay với Toni Nadal
Sau sự vắng mặt bí ẩn ở Wimbledon, Calos Moya đã trở lại ở US Open trong ê kíp huấn luyện của Nadal. Cần nhắc lại là Moya đã có mặt ở Australian Open khi Nadal vào chung kết và ở Roland Garros khi Nadal vô địch.
Khi chiến thắng trước Wawrinka trong trận chung kết ở Roland Garros 2017, ông Toni Nadal đã thay mặt Rafa nhận 1 trong 2 chiếc cúp mà BTC dành cho kỳ tích 10 lần vô địch và một chiếc cho chính danh hiệu thứ mười. Ông xứng đáng cho việc dành cả một nửa đời người tạo nên một Nadal phi thường. Nhưng người kiến tạo nên danh hiệu Grand Slam thứ, 15 cho Nadal ấy là Carlos Moya.
Nó giống như việc ông Toni Nadal là người quyết định độ thêm chì vào đầu vợt của Nadal một lần nữa trước khi bước vào mùa 2017 (sau lần thực hiện ở đầu mùa 2012), nhưng người thúc đẩy Nadal thay đổi về kỹ thuật và chiến thuật là Moya.
Moya điều chỉnh Nadal trở thành tay vợt tấn công nhiều hơn phòng thủ, thông qua phương pháp huấn luyện là giảm tổng thời gian tập luyện nhưng tăng cường độ trong một giai đoạn ngắn. Moya khuyến khích Nadal giảm bớt độ xoáy trong cú thuận tay, chơi bạt nhiều hơn với lý giải: “Độ xoáy của cú thuận tay Nadal đã quá lớn, cho phép giảm bớt phần nào mà vẫn nguy hiểm trong khi lại có thêm tốc độ”.
Tất nhiên, sự thay đổi này không phải lúc nào cũng hoàn hảo, hay nói đúng hơn là với một Nadal đã trải qua 20 năm với một cách chơi lùi sâu, mở vợt hơi trễ, chờ bóng thấp thì cần phải mở vợt sớm, đánh bóng sớm là thách thức rất lớn, nhất là trên mặt sân nhanh.
Kết quả ở Wimbledon cho thấy điều đó. Nó đã chính thức là giải Grand Slam tệ nhất trong năm nay của Nadal sau khi tay vợt này vào tới tứ kết của US Open – một chặng đường chưa thực sự ấn tượng.
Chiến thắng ở vòng 4 trước Dolgopolov là trận thắng ít trục trặc nhất của Nadal: không thua set nào, tận dụng cơ hội bẻ game tốt hơn. Còn trước đó, Nadal chơi không tốt ở những thời điểm quan trọng. Cả trận có tới 25 điểm break points nhưng chỉ thành công 6, riêng set 1 có 6 break points nhưng không bẻ nổi game nào của Mayer, rồi sau đó thua trong loạt tiebreak.
Trận đấu ở vòng 4 với Dolgopolov trôi chảy hơn, Nadal tận dụng cơ hội tốt hơn, vừa tạo ra các bước ngoặt nhờ kĩ năng phòng ngự và giải quyết tình huống nhờ các cú serve tốt, bên cạnh lý do Dolgopolov là điển hình của thứ tennis thiếu chắt chiu.
Nhưng quan trọng hơn là thực tế: Cứ giải đấu nào có Carlos Moya thì Nadal đều đi sâu hơn các giải không có Moya (chỉ có Toni Nadal và Francis Roig hoặc không có cả Toni Nadal).
Triển vọng có thể không chỉ là tứ kết vì đối thủ là Rublev, tay vợt 19 tuổi người Nga, hầu như không có kĩ năng nào để là “kị rơ” với Nadal cả. Và phần còn lại cho một cuộc gặp gỡ đầu tiên ở US Open giữa hai huyền thoại có vẻ như hoàn toàn phụ thuộc vào Federer.
Phạm Tấn - Khám phá