Cảnh giới siêu nhân của người đàn ông chạy bộ 3 ngày 3 đêm liền không ngủ
Sau khi súng hiệu được bắn lên, các anh sẽ chạy cho đến khi gục xuống hoặc chạm được vào vạch đích.
Trong một quán bar ở San Francisco, Dean Karnazes đang uống mừng sinh nhật lần thứ 30 cùng nhóm bạn. Ánh đèn neon hắt trên khuôn mặt người đàn ông thành đạt.
Karnazes có bằng MBA, đang làm việc cho một công ty nằm trong top Fortune Global 500. Anh có quyền mua cổ phần, được cấp xe hơi, chăm sóc sức khỏe miễn phí và thậm chí đã bắt đầu kế hoạch tiết kiệm hưu trí 401k cho mình và gia đình.
Nhưng cái ngày đầu tiên của tuổi 30 luôn có một mãnh lực vô hình nào đó đè xuống khiến người ta cảm thấy trống rỗng. “Có một thứ gì đó đang biến mất khỏi cuộc đời tôi", Karnazes nói. "Tôi thấy mình đang lãng phí cuộc sống này”.
“Thêm một tuần tequila nữa nhé”, những người bạn nói với Karnazes. Không, anh bảo mình phải về thôi: “Thay vì uống rượu, giờ tôi sẽ chạy 30 dặm để mừng sinh nhật lần thứ 30 này”.
“Nhưng ông bạn, ông đâu có phải vận động viên chạy bộ đâu?”, những người trong quán bar nhìn Karnazes với vẻ mặt ngạc nhiên, rồi không hẹn mà cùng cười phá lên: “Ông say mất rồi”.
Mặc những tiếng cười nhạo ấy, Karnazes rời khỏi quán. Anh về nhà, lẻn vào gara trong khi vợ đã ngủ say. Suy nghĩ một lúc, Karnazes xỏ tạm đôi giày làm vườn, cởi chiếc quần dài bên ngoài và chạy thẳng về phía nam. Anh mặc áo nhưng bên dưới chỉ còn độc chiếc quần lót lụa.
Năm 1967, trong khu phố ở Inglewood, California, người ta thấy đứa con trai lớn nhà Nick Karnazes hễ tan học là chạy thẳng về nhà. Ngày nào cũng vậy, đứa trẻ 6 tuổi đó thích chạy hơn là đi bộ.
Dean Karnazes thừa hưởng dòng máu Hy Lạp chảy trong người. Bố cậu, ông Nick luôn tự hào khi nhắc đến nguồn gốc gia đình mình: ông nói rằng họ cùng đến từ một ngôi làng với Pheidippides, người lính 2.500 năm trước đã chạy đến kiệt sức từ cánh đồng Marathon về Athena để báo tin chiến thắng.
"Bố ơi, sự thật là chúng ta đến từ Los Angeles", Karnazes phải nhắc ông ấy luôn thể. Nhưng câu chuyện ấy cũng phần nào đem lại cảm hứng cho cậu bé thích khám phá những vùng đất mới mẻ dưới đôi chân mình.
Năm 8 tuổi, Karnazes bắt đầu tham gia những giải chạy bộ với bạn bè cùng trang lứa. Ở trường cấp hai, Karnazes từng một năm giành vô địch giải chạy đường dài của tiểu bang California. Đến năm trung học, tài năng của cậu bé nở rộ.
Trong một giải chạy gây quỹ từ thiện, các nhà tài trợ tuyên bố rằng họ sẽ trả cho mỗi học sinh tham gia 1 USD sau mỗi vòng chạy 400m mà cô cậu ấy hoàn thành được. Khi hầu hết những học sinh khác chỉ kiếm được từ 10-15 USD, Karnazes đã chạy tới 105 vòng mà không biết mệt, bằng độ dài của đúng một chặng full-marathon 42 km.
Điều gì đã giúp cho cậu bé Hy Lạp làm nên điều phi thường ấy?
Hóa ra, bên trong cơ thể Karnazes ẩn chứa một bí mật, điều mà mãi đến những năm tháng sau này cậu mới nhận ra. Karnazes không bị ràng buộc bởi một thứ mà các nhà khoa học thể thao gọi là "ngưỡng lactate". Về mặt lý thuyết, điều này có thể cho phép cậu bé chạy mãi mãi mà không cần dừng lại.
Là một người bình thường, bất cứ khi nào bạn chạy hay vận động mạnh chỉ khoảng vài phút, cơ bắp của bạn bắt đầu thấy mệt mỏi, bạn bắt đầu thở dốc, tim đập nhanh và bạn phải dừng lại, không sớm thì muộn . Điều này xảy ra cả với những vận động viên Olympic, nhưng với Karnazes thì không.
Đó là bởi ở những bước chạy đầu tiên, cơ thể bình thường sẽ sử dụng oxy và glucose để cung cấp năng lượng. Quá trình này được gọi là hô hấp hiếu khí. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, vì lượng oxy họ hít vào đã không đủ so với lượng oxy đốt cháy, một số tế bào phải chuyển sang quá trình hô hấp kị khí.
Đây là lúc mà cơ thể không còn cần đến oxy để giải phóng năng lượng. Mặt trái của hô hấp kị khí là nó sẽ sinh ra một sản phẩm gọi là axit lactic. Chính những phân tử axit này khiến cho cơ bắp chúng ta mệt mỏi và đau khi chạy.
Khi axit lactic tích tụ đến một ngưỡng nào đó, bạn sẽ đau quá sức chịu đựng và buộc phải dừng lại nếu không muốn chết. Đúng vậy, chống lại sự tích tụ axit lactic vượt ngưỡng trong máu có thể khiến bạn tử vong.
Nhưng Karnazes không có một ngưỡng lactate như vậy, hoặc ngưỡng đó vượt xa người bình thường. Trong một cuộc kiểm tra sức khỏe năm 2006, các bác sĩ đã yêu cầu Karnazes chạy trên máy chạy để đo ngưỡng lactate.
"Họ nói bài kiểm tra [đối với những người khác trung bình sẽ] mất khoảng 15 phút", Karnazes kể lại. "Thế nhưng, một tiếng sau đó họ mới dừng bài kiểm tra của tôi lại và nói rằng, trong suốt sự nghiệp của mình, họ chưa bao giờ thấy một trường hợp nào như thế này bao giờ”.
Khi axit lactic đổ vào dòng máu của Karnazes, những phân tử dường như bị trung hòa ngay lập tức bởi ty thể trong cơ bắp và xúc tác của một số loại enzyme. Ở người bình thường, quá trình này sẽ tốn một khoảng thời gian dài để giúp họ hồi phục trở lại.
Nhưng với Karnazes, một đột biến gen hiếm có vẻ như đã giúp cậu ấy có những ty thể lớn hơn và nhiều enzyme hơn. Về cơ bản, nó giống như đổ nước vào một chiếc thùng không đáy.
Đó là những gì mà Karnazes phát hiện được trong cơ thể anh khi đã bước sang tuổi 44, phần nào giải thích cho những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp chạy đường dài của anh. Bây giờ nhiều người vẫn gọi Karnazes là một siêu nhân ngoài đời thực.
Một người đàn ông trung niên sở hữu cơ thể của một thanh niên 20 tuổi: 3,6% mỡ cơ thể so với 10-20% ở người bình thường. Nhịp tim ở trạng thái nghỉ của Karnazes có thể hạ xuống mức 39 nhịp/phút, so với 60-80 nhịp ở những người khác.
Thế nhưng, bản thể siêu nhân ấy đã ngủ quên trong người Karnazes sau khi những cuộc phiêu lưu của tuổi thanh thiếu niên cuối cùng cũng kết thúc. Bất đồng với huấn luyện viên ở trường trung học, cậu bé 15 tuổi ngừng chạy để tập trung cho việc học.
“Tôi nghĩ chạy bộ sẽ thật tốn thời gian. Tôi còn nhiều thứ khác quan trọng hơn phải làm trong đời mình”, Karnazes nói. Sau khi tốt nghiệp trung học, Karnazes đỗ vào Đại học Bách khoa California. Anh học xong đại học rồi lại thi cao học, tốt nghiệp ra trường với bằng thủ khoa.
Chưa dừng lại ở đó, Karnazes còn tiếp tục học Đại học San Francisco, lấy bằng MBA và cạnh tranh được một vị trí hấp dẫn tại GlaxoSmithKline, một công ty dược phẩm trong top Fortune Global 500.
Tưởng chừng như vậy đã thỏa mãn, nhưng những điều quan trọng mà Karnazes nghĩ mình cần làm trong đời hóa ra không giúp anh hạnh phúc.
“Anh không chắc mình sống trên đời này có ý nghĩa gì nữa”, Karnazes nói với vợ, Julie. “Anh sợ rồi 30 năm nữa, anh thức dậy cũng ở đây, mọi thứ vẫn vậy, chỉ có anh là béo hơn, thêm những nếp nhăn và cái đầu hói. Cay đắng biết mấy”.
Tâm sự ấy đã dẫn anh đến cái quán bar của tuổi 30, và sau đó đặt anh vào một quyết định điên rồ: chạy 30 dặm từ San Francisco về Vịnh Half Moon ngay trong đêm, và ngay trong cơn say.
Karnazes tỉnh rượu ở kilomet thứ 20. Lúc đó anh mới nhận thức được điều kì cục mà mình đang làm. Anh ra khỏi quán bar ồn ào kia khi còn chếnh choáng, chợt tỉnh thì đã thấy mình ở đâu đó trên con đường xuyên nước Mỹ, dưới một vòm trời đầy sao tĩnh mịch.
Nhưng đó cũng là lúc Karnazes mà nhận ra nơi anh thuộc về, là thứ mà anh đang dần đánh mất trong cuộc sống của mình: một bản thể siêu nhân và cảm giác của nó trên đường chạy.
Chỉ có bản năng và ngưỡng lactate không giới hạn mới giúp được một người đàn ông 30 tuổi, không được huấn luyện, người đã không chạy suốt 15 năm hoàn thành trọn vẹn quãng đường 30 dặm.
Sau 8 tiếng đồng hồ, Karnazes đến được thị trấn ven biển ở Vịnh Half Moon khi trời đã sáng.
Điều đầu tiên anh làm là tới bot điện thoại công cộng và gọi về nhà. Cứ thử tưởng tượng vẻ mặt của Julie lúc đó. Cô phải chạy xe đến đón anh ấy ngay. Cặp đôi nói chuyện một lát trên đường về, đó là lúc Julie cảm nhận được một thứ gì đó đang sống dậy bên trong Karnazes, một thứ gì đó kì lạ, bất ổn nhưng đầy sức sống bên trong người đàn ông đã ngủ gục bên cạnh mình sau một đêm dài.
Tỉnh dậy với hai bên má đùi phồng rộp, Karnazes thậm chí không còn đi lại được. Nhưng ở tuổi 30 cộng thêm 1 ngày ấy, anh lại cảm thấy rõ một luồng sức sống tràn ngập trong cơ thể mình, thứ sức sống được anh miêu tả "còn hơn cả một thập kỷ cộng lại".
Karnazes đã lắng nghe được bản thân mình muốn gì, đâu là thứ anh đã đánh mất trong bấy nhiêu năm cuộc đời. Quyết định nghỉ việc, bỏ lại mức lương, bảo hiểm và tất cả những phúc lợi, đó là thời khắc bản thể siêu nhân của Karnazes trở lại để dấn thân và chinh phục những con đường:
"Tôi muốn trở thành một vận động viên chạy bộ".
Một gã say rượu chinh phục quãng đường 30 dặm, dài hơn cả một chặng full marathon, Karnazes nghĩ rằng những cung đường 42 km không còn có thể làm khó được anh nữa. Vừa lúc có một người giới thiệu cho Karnazes giải chạy Western States, nơi các vận động viên phải chinh phục quãng đường dài tới 160 km.
"Gượm đã, 160 km? Giải chạy này phải sẽ diễn ra trong bao nhiêu ngày? Mọi người sẽ nghỉ ở khách sạn nào trên đường chạy?", Karnazes hỏi lại.
"Sẽ chẳng có khách sạn nào cả", anh bạn nói. "Sau khi súng hiệu được bắn lên, các anh sẽ chạy cho đến khi gục xuống hoặc chạm được vào vạch đích".
Thật là một ý tưởng điên rồ nhưng thú vị. Karnazes không thể ngừng nghĩ về cuộc đua Western States. Cách duy nhất để tống nó ra khỏi đầu là đăng ký tham gia nó.
Karnazes đã chạy giải ultra marathon đầu tiên năm 1995. Băng qua những ngọn núi cao nhất ở California, chạy xuống những thung lũng sâu hút và lội bộ qua 4 con suối. "Nhưng phải làm gì khi màn đêm buông xuống? Bạn chỉ cần đeo đèn pin lên đầu là có thể tiếp tục chạy", Karnazes nói.
Sau 21 tiếng đồng hồ chạy liên tục không ngừng, anh cuối cùng cũng chạm tới vạch đích. "Đó là khoảnh khắc khiến tôi nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì trên đời", Karnazes đã tham gia giải Western States tổng cộng tới 11 lần kể từ năm 1995 đến năm 2006.
Mục tiêu tiếp theo: giải Badwater, cũng là một chặng ultra marathon nhưng dài tới 217 km. Nó được mệnh danh là cung đường chạy khắc nghiệt nhất hành tinh.
Các vận động viên tham gia sẽ xuất phát từ lưu vực Badwwater, nơi có cao độ thấp nhất nước Mỹ, nằm dưới mực nước biển 85 mét. Họ phải chạy qua Thung Lũng Chết ở California dưới thời tiết tháng 7, khi mà nhựa đường có thể nóng chảy dưới cái nắng 54oC.
Điểm đích mà tất cả các vận động viên phải chinh phục là con đường mòn lên đỉnh núi Whitney ở cao độ 2.548 mét so với mực nước biển, một trong những nơi cao nhất ở biên giới nước Mỹ.
Karnazes tham gia giải chạy này lần đầu tiên vào năm 1995. Nó đã đánh gục anh ở kilomet thứ 115. Đế giày của Karnazes tan chảy và trượt dài trên đường nhựa. Anh bị ảo giác, buồn nôn và tiêu chảy.
Đó là thất bại đau đớn đầu tiên thách thức cậu bé Hy Lạp và ngưỡng lactate của Karnazes. Những gì anh học được từ đó, là bạn phải mặc một chiếc áo parka trượt tuyết bên ngoài áo len trong thời tiết 53 độ ở Thung Lũng Chết. Hai chiếc áo phải hấp thụ được hoàn toàn tia UV để bảo vệ da khỏi những vết phồng rộp.
Cách tốt nhất để chạy trên một con đường nhựa đang tan chảy là chạy trên những vạch kẻ đường màu trắng, những vạch kẻ ấy phản chiếu ánh mặt trời nên sẽ có nhiệt độ thấp hơn. Ngược lại, nhựa đường có màu đen, chúng sẽ hấp thụ toàn bộ năng lượng mặt trời và khiến đế giày bạn tan chảy.
Karnazes cũng phải tập cách vừa chạy vừa đi tiểu trên đường. Anh tập chạy bất cứ khi nào có thể, mỗi ngày, vượt qua những nỗi đau cho đến khi chúng biến mất. "Điều kỳ diệu sẽ đến phía sau những đau khổ", Karnazes nói. Anh quay lại giải Badwater năm sau đó, cán đích ở vị trí thứ 10 và chiến thắng nó 2 lần vào năm 2003 và 2004, trong tổng cộng 10 lần tham dự giải chạy khắc nghiệt nhất hành tinh.
"Tôi không bao giờ nhận rằng mình đã chiến thắng giải chạy này. Tôi chỉ nói mình là người sống sót và vượt qua nó nhanh nhất", Karnazes nói.
Sau khi chinh phục được giải chạy qua nơi nóng nhất hành tinh, Karnazes nhận được một lời mời tham dự giải chạy marathon ở Nam Cực, nơi lạnh nhất trên Trái Đất. Đơn vị tổ chức nói với anh rằng sẽ có 40-50 vận động viên gạo cội nhất tham gia giải chạy này.
Karnazes tỏ ra hứng thú với thử thách. Nhưng khi tập trung tại Trạm Antarctica để chuẩn bị cho cuộc đua, anh nhận ra chỉ có 6 vận động viên ở đó, 3 trong số họ quyết định bỏ cuộc ngay trước vạch xuất phát vì nó quá nguy hiểm.`
Tại sao việc chạy một quãng đường 42 km ở Nam Cực là thử thách cực kỳ mạo hiểm? Chủ yếu là do nền nhiệt ngoài trời, trung bình xuống tới -40oC, có thể đóng băng phổi của bạn nếu bạn hít thở không khí trực tiếp.
Nếu bạn để hở bất kỳ một vùng da nào bên ngoài nhiệt độ này, nó có thể khiến bạn bị bỏng lạnh trên đường chạy. Karnazes đã phải đeo mặt nạ và thở bình khí trong suốt quãng đường. Nhưng cuối cùng anh cũng chinh phục được vạch đích sau 9 tiếng đồng hồ, gấp 3 lần thời gian chạy trong điều kiện bình thường.
Chinh phục 2 cung đường khó nhất thế giới, Karnazes nghĩ rằng chỉ có độ dài quãng đường mới có thể thạch thức được ngưỡng lactate trong cơ thể mình. Sau khi chiến thắng giải Badwater năm 2004, Karnazes lên kế hoạch thực hiện một kỷ lục thế giới: người đầu tiên chạy 300 dặm (483 km) không dừng lại.
Nhưng những người vĩ đại thường có chung ý tưởng. Đầu năm 2005, một nữ vận động viên người Mỹ khác có tên là Pam Reed đã lập kỷ lục trước Karnazes, chạy 300 dặm liên tục trong 79 giờ 59 phút.
Karnazes đã thay đổi kế hoạch, nói rằng anh sẽ chinh phục quãng đường 350 dặm (563 km) để đánh bại Reed ngay trong năm đó.
Thứ Tư, ngày 12 tháng 10 năm 2005, Karnazes đưa hai đứa con tới trường học như bình thường. Anh trở về nhà, sắp đồ và bắt đầu chinh phục thử thách. Karnazes mang theo bên mình 3 đôi giày. Những quãng đường dài sẽ tàn phá chúng, và anh dự định sẽ phải thay giày mỗi 50 dặm.
Ngày đầu tiên, mọi chuyện diễn ra có vẻ suôn sẻ, Karnazes chạy xuyên màn đêm cho đến sáng sớm. Anh băng qua con đường xẻ dọc nước Mỹ, trong cái nhìn kinh ngạc của những con linh miêu đuôi cộc, những con chồn, hươu và cả chó sói.
7 giờ sáng ngày thứ Năm, Karnazes đến được thung lũng Napa, nơi những chiếc xe tải đang đổ từng thùng nho ở vùng làm rượu vang nổi tiếng nhất nước Mỹ. 100 dặm đầu tiên trôi qua ở Thung lũng Alexander, anh vẫn cảm thấy khỏe khi cà phê có tác dụng chống lại cơn buồn ngủ.
9h30 sáng ngày thứ Sáu, Karnazes hoàn thành 100 dặm tiếp theo. Những sự tàn phá trên cơ thể bắt đầu thấy rõ.
Bàn chân Karnazes phồng rộp lên, 4 hay 5 móng chân có vẻ như đã đứt lìa. Để hạ nhiệt cho đôi chân, Karnazes liên tục phải thay tất. Anh có 6-7 đôi, mỗi khi tháo một đôi tất ra ngoài, Karnazes lập tức phải để nó vào thùng nước đá.
Đêm thứ Sáu và sáng sớm ngày thứ Bảy, sau hơn 2 ngày chạy liên tục, cơn buồn ngủ cuối cùng cũng nuốt chửng được Karnazes. Đã có lúc anh vừa chạy vừa ngủ. Cho đến 6 giờ 45 phút sáng, Karnazes cuối cùng cũng hoàn thành 300 dặm đường, còn 50 dặm nữa ở phía trước.
Tại ngưỡng chịu đựng này của con người, ngay cả bản thể siêu nhân của Karnazes với khả năng trung hòa lactate liên tục của anh cũng đang bị thách thức. Karnazes chạy loạng choạng như muốn đâm đầu vào những chiếc xe ô tô ngược chiều.
Một cuộc hội ý giữa các thành viên ban tổ chức và gia đình, Karnazes chỉ được phép chạy tiếp khi quãng đường còn lại không có bất kể một ngọn đồi nào. Hiển nhiên là anh ấy không leo được nữa rồi, nhưng vẫn băng băng về đích.
9 giờ đêm ngày thứ Bảy đánh dấu 10 dặm đường cuối cùng, Karnazes báo cáo một cảm giác giống người cận tử, cảm giác linh hồn anh thoát ra ngoài và có thể nhìn thấy chính mình đang chạy. Đúng 10 giờ 44 phút đêm hôm đó, Karnazes hoàn thành quãng đường 350 dặm. Ngay sau khi đập tay với các thành viên khác trong đoàn, anh hạ thân nhiệt và rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Karnazes tỉnh lại vào sáng hôm sau, cảm giác như vừa bị một chiếc tàu hỏa cán qua người. Hoàn thành quãng đường 350 dặm trong 80 giờ 44 phút chạy liên tục không ngủ, anh hiện vẫn đang giữ kỷ lục là người chạy quãng đường liên tục dài nhất thế giới.
Trong quá trình đó, ước tính 40.000 kcal đã được đốt cháy qua cơ thể người đàn ông 43 tuổi. 350 dặm là quãng đường mà người bình thường sẽ dự định đi bằng ô tô. Nhưng với cảnh giới siêu nhân của mình, Karnazes đã chứng tỏ anh có thể làm được.
Kỷ lục này đã trở thành tiền đề cho chuyến hành trình 1 năm sau đó của Karnazes, nơi anh còn thực hiện một quãng đường dài hơn gấp 6 lần. Thử thách chạy 50 cuộc thi marathon ở 50 tiểu bang của Hoa Kỳ trong 50 ngày liên tiếp.
Dĩ nhiên, lần này Karnazes đã được phép ngủ và nghỉ vào buổi tối. Hành trình gần 2 tháng với tổng quãng đường hơn 2.100 km xuyên nước Mỹ đã đưa anh lọt vào top 100 người ảnh hưởng nhất trên thế giới do tạp chí Time bình chọn.
Là nguồn cảm hứng cho rất nhiều vận động viên và cả những người chạy bộ nghiệp dư trên khắp thế giới, cậu bé mang dòng máu Hy Lạp, siêu nhân Karnazes ngày nào bây giờ cũng đã 56 tuổi.
Nhưng tuổi tác chưa thể cản được đôi chân của ông ấy. Từng có một phóng viên hỏi Karnazes rằng "Liệu anh có đếm quãng đường mà mình đã chạy được trong đời hay không?".
Karnazes trả lời nó không thể đếm được. "Nhưng nếu ước chừng, có lẽ khoảng hơn 100.000 dặm", ông nói. 100.000 dặm, tương đương 161.000 km, bằng 4 vòng chu vi quanh xích đạo của Trái Đất. Và quãng đường ấy vẫn đang dài lên mỗi ngày.
Trong video mới nhất được chia sẻ trên Facebook, Karnazes đang thể hiện sự hào hứng của mình trước khi bước vào chặng đường 50 dặm của giải The Marin Ultra Challenge.
"Tôi đã sẵn sàng cho những đoạn đường trơn trượt phía trước", Karnazes chia sẻ. California hôm nay có mưa và nó sẽ biến những cung đường ở đất ở Marin trở thành bùn lầy. "Hãy mang thử thách ấy đến đây ngay nào".
Genk