Chọn khu vực
Miền Bắc
Hotline Đặt Hàng: 0931385252
Chăm Sóc Khách Hàng: 090.779.6118

Sport House

Antoine Hoang - tay vợt thắp niềm tin cho quần vợt Pháp

Cập nhật : 21:16 - 01/06/2019

Tay vợt gốc Việt tôn thờ lối chơi tấn công và có chiến thắng để đời trước đàn anh Fernando Verdasco.

"Antoine Hoang tạo nên địa chấn ở Roland Garros", Huffington Post giật tít, ít phút sau chiến thắng của tay vợt gốc Việt. Không chịu thua kém về ngôn từ, L'Equipe viết: "Antoine Hoang mang lại cảm xúc vô bờ khi hạ hạt giống số 23, Fernando Verdasco". Trang Paris Match thậm chí đưa tay vợt 23 tuổi lên mây xanh khi bình phẩm: "Cảm ơn chàng trai trẻ, người thắp ngọn lửa niềm tin cho quần vợt Pháp".

Chỉ qua một đêm, cái tên Antonie Hoang trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Đó là cái kết có hậu cho người đã mất hơn bốn tiếng đồng hồ để loại đàn anh Verdasco, dù dự giải với suất đặc cách. Thua kém cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm, nhưng Hoang bản lĩnh tới mức lạnh lùng ở những thời điểm quyết định. Ở set ba, khi bị dẫn 4-5 và đối mặt với game đỡ bóng, tay vợt 23 tuổi bị đàn anh người Tây Ban Nha dẫn 0-40, nhưng không bỏ cuộc. Anh chơi quật khởi, thắng liền năm điểm để cân bằng tỷ số set đấu 5-5, trước khi thắng set đấu nhờ loạt tie-break. Kịch bản trong set bốn quyết định cũng gần tương tự. Hoang dẫn 6-5 trước game giao bóng cuối của Verdasco. Anh bình tĩnh cắt đường bóng, giành break-point và thắng chung cuộc 3-1.

Trong một thời gian dài, quần vợt Pháp luôn phải chịu đau đớn ở giải Grand Slam tổ chức trên sân nhà. Năm 2017, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Pháp, Bernard Giudicelli thậm chí nổi giận lôi đình khi người tiến vào sâu nhất giải - Gael Monfils - chỉ đi được tới vòng bốn. Niềm hy vọng lớn nhất của nước Pháp ở Roland Garros - Jo-Wilfried Tsonga chơi phập phù. Sau khi vào bán kết năm 2015, tay vợt sinh năm 1985 không bao giờ chạm tới đỉnh cao ấy lần nữa. Tại giải năm nay, Tsonga thậm chí rơi rụng ngay từ vòng hai. Một tượng đài khác - Richard Gasquet - cũng chẳng khá hơn. Sau khi vào tứ kết Roland Garros 2016, tay vợt sinh 1986 xuống dốc không phanh, và cũng bị loại ngay từ vòng hai của giải năm nay.

Ngoài tay vợt Việt kiều, nước Pháp còn hai cái tên đặc cách nữa trải qua hành trình gần tương tự. Nicolas Mahut hạ hạt giống số 16 Marco Cecchinato ngay vòng một, Corentin Moutet hạ hạt giống số 19 Guido Pella ở vòng hai, và cả hai người này đều vào vòng ba như Hoàng. Tuy nhiên, so với Verdasco, danh tiếng của Cecchinato cũng như Pella kém xa. Bên cạnh đó, cảm xúc từ những trận đấu của Antoine Hoang luôn rất đặc biệt. "Hoang không có thể hình lý tưởng của một tay vợt (cao 1m83), nhưng mang lối chơi hiện đại. Anh thích trả bóng sớm, đẩy cao tốc độ của từng pha bóng, chủ động lên lưới để kết thúc công việc theo cách hoàn hảo nhất", kênh RFI mô tả.

Các thông số giữa Antoine Hoang và Verdasco gần như cân bằng, ngoại trừ khả năng lên lưới. Kênh France Info nhận xét: "Hoang khiến Verdasco khó chịu và mất bình tĩnh khi uôn khiêu khích đàn anh bằng cách cố tấn công, dù khả năng thắng không nhiều. Sự mạo hiểm của Hoang được đền đáp khi anh giành 23 điểm thắng trên lưới, đạt tỷ lệ 65%. Không nhiều tay vợt dám chơi như thế trước đối thủ áp đảo về đẳng cấp và kinh nghiệm".

Niềm vui của Antoine Hoàng sau khi thắng Verdasco. Ảnh: AP.

Niềm vui của Antoine Hoàng sau khi thắng Verdasco. Ảnh: AP.

Nếu Man City là đại diện tiêu biểu cho trường phái tấn công trong bóng đá, điều tương tự có thể tìm thấy ở Antoine Hoang. HLV của Hoang, Lionel Zimbler cho biết: "Kế hoạch của chúng tôi rất đơn giản. Tôi và cậu ấy đều thống nhất, rằng sẽ tấn công mọi lúc có thể. Với nhiều đối thủ, Antonie Hoang là một cái tên xa lạ. Họ sẽ không ngờ một tay vợt mới toanh lại dám tấn công. Đó là tất cả những gì đã xảy ra. Ngay cả khi bị dẫn, Antoine Hoang cũng không dao động bởi cậu ấy biết trận đấu vẫn đang đi theo đúng kế hoạch. Cậu ấy biết mình đang có một trận đấu lớn, và cần chứng tỏ những gì tốt nhất trên sân".

Antoine Hoang là tay vợt Pháp đầu tiên, sau Edouard-Roger Vasselin năm 2007, vào tới vòng ba Roland Garros ngay lần đầu tham dự. Bí quyết dẫn tới thành công ấy nằm ở khâu chuẩn bị. HLV Zimbler nói tiếp: "Tôi cố gắng tập cho cậu ấy thói quen không bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng của giải đấu. Antoine Hoàng rất thông minh. Cậu ấy tự ý thức, rằng ở những giải như Roland Garros, để thành công cần phải giành được những điểm quan trọng. Antoine Hoang gần như không bỏ cuộc ở các loạt bóng bền, giành lại break-point, hay đua tie-break".

"Tấn công" và "không bỏ cuộc" là những khẩu hiệu thường trực hiện hữu trong đầu Antonie Hoang. Chính tay vợt gốc Việt cũng thừa nhận: "Ngay cả khi mắc sai lầm, tôi cố giữ sự tập trung, chẳng hạn không được thua game này, hay phải cắt được quả giao tiếp theo. Tôi là một người hướng nội, và việc áp dụng lời thầy dạy hàng ngày giúp tôi luôn có suy nghĩ tích cực. Tôi không bao giờ dằn vặt bản thân vì một cú đánh hỏng, mà sẽ nghĩ, quả sau phải gỡ lại". 

Antoine Hoàng tự nhận là một người hướng nội.

Antoine Hoang tự nhận là một người hướng nội.

Sự can trường của Antoine Hoang thể hiện rõ qua việc anh có thể chơi hai tay. Tay vợt 23 tuổi kể: "Tôi bắt đầu tập tennis bằng tay phải, nhưng năm 12 tuổi, vì một chấn thương vai, tôi không thể cầm vợt trong một thời gian. Nếu không ra sân tập, chắc tôi buồn chết mất. Vì thế, tôi quyết định thử chơi bằng tay trái. Kết quả là tôi giờ có thể chơi tay trái một tám một mười so với tay phải sau 5 năm kiên trì tập luyện. Tất nhiên, khi đánh giải, tôi chẳng bao giờ chuyển tay đánh, nhưng nếu chẳng may bị đau (anh nói kèm một cái nhún vai), tôi có thể khiến đối phương bất ngờ".

Sẵn sàng chiến đấu tới phút cuối cùng, không run sợ trước bất cứ đối thủ nào, nhưng Antoine Hoang thú nhận, anh thấy lúng túng khi phải trả lời phỏng vấn. "Tôi thấy khó khi phải chia sẻ cảm xúc trước đám đông. Tôi đang tập làm điều ấy ở nhà, trước gương, nhưng sự thật là nhiều lúc tôi thấy việc này như một trò đùa". 

Hiện xếp số 146 thế giới, Antoine Hoang đủ điều kiện tham dự ATP 250. Anh từng giành danh hiệu ATP Challenger Tour ngay lần đầu tham dự hồi tháng 10/2018, sau đó là chiến thắng ở giải Sud De France Mở rộng ở Montpellier vào tháng 2/2019. Có cả một tương lai rộng mở, nhưng tay vợt 23 tuổi vẫn chuẩn bị sẵn kế hoạch B, nếu sự nghiệp tennis gặp trục trặc. "Cha mẹ ép tôi đi học. Tôi không chắc đó có phải ý tưởng tốt hay không, nhưng chuyện lên giảng đường ở đại học thể thao giờ cũng không choán nhiều thời gian lắm. Tôi bắt đầu sự nghiệp muộn hơn so với phần đông các tay vợt, và giờ phải nỗ lực rất nhiều để san lấp khoảng cách về kinh nghiệm".

VnExpress

Bình luận

Hỗ trợ trực tuyến
Đăng ký nhận tin khuyến mại

Đừng bỏ lỡ các chương trình giảm giá và các sản phẩm mới hấp dẫn!