Chọn khu vực
Hotline Đặt Hàng: 0931385252
Chăm Sóc Khách Hàng: 090.779.6118

Sport House

6 SỰ THẬT VỀ DÂY CƯỚC POLYESTER MÀ 90% NGƯỜI CHƠI TENNIS VIỆT NAM ĐANG SỬ DỤNG

Cập nhật : 09:39 - 08/01/2016

Đại diện từ những nhà sản xuất dây cước tennis cùng ngồi lại để trả lời những câu hỏi xoay quanh dây poly, co-poly và người chơi nào thì phù hợp.

 

Không có gì bất ngờ khi cho rằng dây cước poly đang trở nên rất quen thuộc với những người chơi tennis, từ những vận động viên chuyên nghiệp cho tới các tay vợt nhỏ tuổi và cả những người đánh cấp độ  phong trào, giải trí. Với độ phủ sóng rộng của mình, dây cước poly cũng mang tới khá nhiều những câu hỏi xung quanh nó. Sự khác nhau giữa “poly” và “co-poly” là gì? Lực căng bao nhiêu thì ổn? Liệu dây cước poly có phải là sự lựa chọn tốt?

 

Những câu hỏi dường như còn rất nhiều nữa. Vì vậy chúng tôi quyết định tìm kiếm câu trả lời từ chính những nhà sản xuất dây cước poly hàng đầu: Pacific, Ashway, Babolat, Dunlop…

 

Điều gì ẩn chứa bên trong cái tên poly?

 

Sự rắc rối dường như bắt đầu từ trong tên gọi. Ban đầu những sợi dây cước này được gọi là dây polyester (có cùng chất liệu để sản xuất hàng may mặc), hiện tại chúng chỉ đơn giản được gọi là dây poly hoặc co-poly. Vậy sự khác biệt giữa poly và co-poly là gì?

 

Evan Specht, giám đốc điều hành của Diadem Sports cho biết: “Các chuyên gia về dây cước đều có đồng quan điểm rằng dây “poly” thường được hiểu chung là một sợi dây lõi đơn (monofilament) được làm từ polyme (hợp chất hình thành từ chuỗi các phân tử) có tên gọi là polyethalene terephthalate (PET) hay còn gọi là "nhựa nhiệt dẻo". Những hợp chất polyme khác cũng được sử dụng là PTT và PBT.

 

Chuyên gia Tom Parry, đại diện của hãng dây cước Pacific thì liên hệ câu hỏi về poly hay co-poly tới một câu hỏi khác tương tự: “synthetic gut” là gì. Ông giải thích: “Synthetic gut đơn giản chỉ là một thuật ngữ bán hàng đã được quy định để miêu tả một loại dây cước nylon cao cấp. Về cơ bản, những thuật ngữ như synthetic gut hay poly được dùng để làm tên gọi thay thế cho những chất liệu và cấu tạo của sợi dây cước như nylon hay plastic. Những chất liệu khác nhau tạo nên sự khác biệt về đặc điểm hoạt động của mỗi loại dây cước, đi kèm theo đó là quy trình sản xuất phức tạp hơn”.

 

Trong khi đó, “Co-poly” thì được coi là dây cước poly được bổ sung thêm một số chất phụ gia. Chuyên gia Hunter Hines của hãng Dunlop giải thích rằng các chất phụ gia được trộn thêm vào để tạo ra một hỗn hợp “mang lại các đặc tính khác nhau như mềm hơn, dẻo hơn, giữ được độ căng tốt hơn..” so với dây cước poly truyền thống.

 

Đại diện từ hãng Ashaway, Steve Crandall, thì có cách giải thích như sau: “Co-poly là một thuật ngữ bán hàng để miêu tả loại dây cước poly có thêm chất phụ gia giúp cải thiện những nhược điểm của vật liệu polyme”. Ông Crandall cũng cho biết thêm một sự thật thú vị là: “Không quan trọng các chất phụ gia nào được sử dụng, các dây cước co-poly vẫn cứng hơn và ít đàn hồi hơn so với hầu hết các loại dây cước khác”.

 

Dây cước poly có những ưu điểm gì?

 

Nhóm đại diện từ các nhà sản xuất dây cước tennis đều nhất trí rằng những lợi ích chính mà dây cước poly mang lại cho người chơi tennis là độ bền và tạo xoáy là những đặc tính chủ yếu, mặc dù không phải ai cũng có cách nhìn tương đồng.

 

Cả hai chuyên gia là Parry từ hãng Pacific và Josh Newton từ hãng Babolat đều chỉ ra mấu chốt để đánh bóng xoáy đó chính là kĩ thuật và kĩ năng của người đánh. “Trước tiên, bạn phải có đủ nền tảng kĩ thuật và có thể tăng tốc đầu vợt đủ nhanh để có thể tận dụng được nhiều hơn khả năng xoáy của dây cước poly hay co-poly”, Newton cho biết.

 

Để dễ hình dung hơn, Parry đã cung cấp cho chúng ta một bảng thông tin hình ảnh (infographic) của 4 loại dây cước khác nhau dưới đây để minh họa sự dao dộng của các sợi dây cước khi tiếp xúc với trái bóng. Bạn đọc sẽ thấy được với mỗi loại dây sẽ có những độ nén bóng riêng và lực đẩy bóng cũng giảm đi từ dây lõi tự nhiên mềm (natural gut) tới dây poly.

 

Infographic minh họa tiếp xúc giữa dây cước và bóng của 4 loại dây khác nhau:

 

 

Ông Hines thì chỉ ra một lợi ích thường không được quan tâm: “Các sợi dây cước poly dường như rất ít khi bị xô lệch và hiếm khi cần chỉnh lại, thậm chí kể cả với độ căng thấp. Tất nhiên là những sợi dây cước khi chạm bóng sẽ bị dịch chuyển nhưng sẽ bật trả lại đúng vị trí sau mỗi cú đánh (hiệu ứng cắn bóng)”.

 

Độ cắn bóng (snap-back) dường như là yếu tố then chốt để tạo xoáy. Ở những buổi thử nghiệm gần đây, với video tốc độ cao và phần mềm theo dõi cho chúng ta thấy hiệu ứng cắn bóng sẽ tạo xoáy. Nhưng theo như nhóm chuyên gia dây cước chỉ ra thì sẽ phải cần tốc độ tăng tốc đầu vợt rất lớn khi chạm bóng mới có thể tạo ra độ cắn bóng đủ mạnh để tạo xoáy trên những mặt dây cứng.

 

Độ bền của dây poly cũng gây hiểu lầm cho rất nhiều người. Có thể nói dây poly bền hơn bời vì nó lâu đứt hơn các loại dây làm từ chất liệu khác. Tuy nhiên dây cước poly cũng mất đi tính đàn hồi nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu người chơi không phải là người thường xuyên làm đứt dây cước thì độ bền của dây (theo nghĩa "lâu bị đứt") cũng không phải là một yếu tố cần quan ngại cho lắm. Chuyên gia Newton chỉ ra rằng “Dây cước poly/co-poly mất đi độ căng khá nhanh kể cả khi ở trạng thái tĩnh (sau khi căng nhưng chưa mang ra đánh" hoặc khi ở trạng thái động (trong lúc đánh). Chính vì vậy, dây cước poly cần phải thay thế khá thường xuyên hoặc người chơi sẽ mất đi khả năng kiểm soát bóng và lực đánh”. Đây có thể là lí do mà những vận động viên chuyên nghiệp tại các giải đấu thường sử dụng một cây vợt căng cước mới sau mỗi lần đổi bóng mới (9 game).

 

Chuyên gia John Elliott của hãng Ytex cho biết những sợi dây cước poly hay co-poly cần phải được căng lại sau khoảng thời gian 2 tiếng cho tới 8 tiếng sử dụng tùy theo mật độ dây, chủng loại dây hay tiết diện dây.

 

Những ai nên dùng dây cước poly/co-poly?

 

Liệu dây cước poly/co-poly có phù hợp cho tất cả người chơi với các trình độ khác nhau?

 

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng những sợi dây cước poly hay co-poly là phù hợp nhất cho những người chơi có kỹ năng tốt, có thể tạo ra tốc độ đầu vợt cần thiết để vào bóng rất mạnh. Tuy vậy, ông Specht lại cho biết: “Tôi nghĩ một loại dây cước co-poly cao cấp có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu bạn có một dây co-poly mềm mại mà còn nâng khả năng tạo xoáy thì bạn có vẫn có đủ mọi lợi thế”.

 

Ông Hines thì nhận xét: “Tôi không dám chắc chắn là bạn sẽ nhận được lợi ích gì nhiều từ dây poly hay co-poly nếu bạn không phải là một người chuyên đánh đứt dây (string-breaker) hay chuyên đánh bóng xoáy (spinner). Đối với những người chơi tennis giải trí, sẽ là khôn ngoan nếu họ thực sự biết cân nhắc giữa các lựa chọn khác nhau, vì chắc chắn sẽ có những hạn chế khi sử dụng dây cước poly hay co-poly - đặc biệt là đối với những đối tượng người chơi dễ gặp chấn thương hoặc người cần nhiều trợ lực và độ sâu cho các cú đánh của mình".

 

Ông Newton chia sẻ thêm: “Những người đánh tennis phong trào giải trí bao gồm cả những tay vợt thi đấu trẻ tuổi hầu như không có khả năng tận dụng được khả năng xoáy từ dây cước poly hay co-poly. Cơ thể của họ thường phải chịu đựng những tác động xấu từ loại dây cứng này, chưa kể tới độ trợ lực yếu, độ căng cũng giảm nhanh”. Ông Newton giải thích rằng để tạo được hiệu ứng cắn bóng (snap-back) đủ để tạo xoáy, người chơi trước tiên phải có khả năng làm cho những sợi dây cứng như dây poly/co-poly trượt đi rồi bật trở lại để cắn bóng và thực tế thì chỉ có những người chơi ở trình độ cao mới có khả năng làm được như vậy.

 

Vậy thì tương lai nào cho dây cước poly/co-poly?

 

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng loại dây cước này chỉ phù hợp nhất cho một phân khúc nhỏ trên thị trường, có cầu thì ắt có cung. Các công ty sản xuất dây cước sẽ tiếp tục phát triển những chất liệu và cấu tạo mới để hạn chế những nhược điểm của dây cước poly/co-poly như mất độ căng nhanh và độ cứng.

 

Chuyên gia Elliot chia sẻ: “Mong muốn của tôi là làm sao cố gắng tạo ra những loại dây cước poly/co-poly dễ đánh hơn, lực đánh mạnh hơn và khả năng tạo xoáy cao hơn, với mong muốn giúp cho nhiều cấp độ người đánh khác nhau có thể sử dụng được loại dây này. Nhưng thật không may là loại dây cước poly/co-poly có những hạn chế nhất định do cấu trúc, cấu tạo của nó”.

 

Chuyên gia Hines nhận định thêm: “Lứa vận động viên trẻ tuổi hiện nay chỉ sử dụng dây cước poly hoặc co-poly trong thi đấu, vì vậy tôi nghĩ nó đã ăn sâu hơn vào thị trường hơn bao giờ hết”.

 

Nhóm chuyên gia đều đồng quan điểm rằng cách ghép cước lai sẽ có bước tiến lớn. Chuyên gia Parry nhận xét: ”Tôi nghĩ với triết lý tennis hiện đại, với tư duy đánh bóng mạnh mẽ và những kỹ thuật đánh bóng kiểu mới, dây cước poly vẫn có chỗ đứng riêng”.

 

Mội vài người trong tổ chuyên gia thì nhận định rằng trong tương lai việc căng dây ghép sẽ trở nên phổ biến, trong đó dây poly/co-poly sẽ được dùng để căng ghép nhiều: "Việc căng dây ghép sẽ giúp người chơi nhận ra họ có thể thu được những kết quả tốt hơn nhờ sử dụng các loại dây khác nhau trên cùng một mặt vợt”.

 

Chuyên gia Crandall thì nghĩ rằng sẽ không có nhiều bước tiến về mặt kĩ thuật cho những dây cước co-poly nhưng ông nhận định: “tương lai sẽ đến với những chất liệu polyme mới, những thiết kế về cấu trúc sợi dây và cấu trúc vật lý kiểu khác”.

 

*Lưu ý: Đây là bài viết và sưu tầm của Tennis House, việc sao chép, copy hoặc sử dụng lại dưới bất kỳ hình thức nào phải có sự cho phép của Tennis House dưới dạng văn bản. Xin cảm ơn.

 

Tennis House - 07.01.2016

Bình luận

Hỗ trợ trực tuyến
Đăng ký nhận tin khuyến mại

Đừng bỏ lỡ các chương trình giảm giá và các sản phẩm mới hấp dẫn!